Trước hiện tượng có nơi lợi dụng tình trạng khan hiếm vắc xin, đẩy giá vắc xin Pentaxim lên đến 2 triệu đồng/mũi tiêm, đại diện Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, giá loại vắc xin này kê khai tại Cục Quản lý Dược là 630.000/1 liều. Bất kỳ cơ sở y tế nào bán sai giá này đều là vi phạm và sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
Ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, cơ quan này đã cấp phép cho nhập khẩu 40.000 liều vắc xin Pentaxim. Trong đó, sẽ phân phối khoảng 15.000 liều cho các địa phương miền Bắc và 25.000 liều cho miền Nam.
Hiện nay, các mẫu vắc xin do các công ty nhập khẩu đã được gửi đi kiểm định chất lượng. Thông thường, khoảng sau 2 tuần kể từ ngày gửi mẫu sẽ có kết quả, kết quả đạt chất lượng sẽ được tiến hành tiêm.
Trước hiện tượng ở TP Hồ Chí Minh, có doanh nghiệp không được phép nhập khẩu vắc xin nhưng “rao” thông tin để phụ huynh đặt cọc 500.000 đồng/liều tiêm, một liều Pentaxim cũng được đẩy giá lên 2 triệu đồng, ông Đông cho biết, giá vắc xin Pentaxim được kê khai tại Cục Quản lý Dược là 630.000 đồng/liều. Giá vắc Pentaxxim cũng như các loại thuốc phải tuân thủ theo Luật kê khai giá thuốc. Bất kỳ cơ sở y tế nào bán sai giá này đều là vi phạm và sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
Ông Đông cho biết thêm, trước đó, Cục Quản lý Dược cũng đã lập các đoàn thanh, kiểm tra một số địa phương trên cả nước về tiêm chủng. Kết quả kiểm tra cho thấy, các địa phương đã tuân thủ chế độ giá kê khai, với mức 630.000 đồng/liều vắc xin Pentaxim. Tuy nhiên, Cục Quản lý Dược vẫn yêu cầu các Sở Y tế địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện cơ sở nào có dấu hiệu trục lợi nâng giá sẽ bị xử phạt theo quy định.
Liên quan đến việc phân bổ vắc xin cho các cơ sở tiêm chủng, Bà Đặng Hồng Thúy, Giám đốc Công ty Hồng Thúy, nhà cung cấp độc quyền vắc xin 5 trong 1 dịch vụ ở khu vực phía Bắc cho biết, trong 15.000 liều vắc xin mới nhập về sẽ được phân bổ hợp lý.
Theo đó, các điểm tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn Hà Nội, từ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Viện Vệ sinh dịch tễ TW, BV Bệnh nhiệt đới TW, BV Nhi TƯ, BV Việt - Pháp, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Hà Nội và một số phòng khám có phòng tiêm chủng theo quy định của Nhà nước... sẽ được phân bổ vắc xin. Riêng tại các tỉnh, vắc xin sẽ được phân bổ về Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.
Theo dự kiến, khoảng hơn 10 ngày nữa các mẫu lô vắc xin nhập về sẽ có kết quả kiểm nghiệm, đạt chất lượng sẽ được đưa vào tiêm chủng. Tuy nhiên, theo nhà nhập khẩu, con số này quá ít so với nhu cầu.
Về tình trạng khan hiếm vắc xin, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định, trong năm 2016 tình trạng vắc xin dịch vụ vẫn khan hiếm bởi Công ty sản xuất ưu tiên cho các đơn hàng lớn lâu năm của các nước.
Trong khi đó, trẻ đến tuổi mà không được tiêm phòng sẽ rất nguy hiểm. Như bài học qua vụ dịch sởi năm năm 2014, hay gần đây là ho gà, bạch hầu... Qua giám sát cho thấy phần lớn các trường hợp mắc bệnh là do không được tiêm, hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng bệnh, hoặc do trẻ tiêm muộn.
Vì thế, khi mà nguồn vắc xin dịch vụ chưa đảm bảo, việc chờ đợi tiêm rất nguy hiểm, trẻ có thể bị mắc bệnh ở giai đoạn chờ đợi này. Trong khi đó, vắc xin trong TCMR luôn đáp ứng nhu cầu, cung ứng hàng triệu mũi tiêm cho trẻ em an toàn.
Riêng với vắc xin 5 trong 1, tại các thành phố lớn xảy ra hiện tượng “sốt” vắc xin dịch vụ, nhưng thực tế số trẻ tiêm vắc xin dịch vụ này chỉ chiếm hơn 10% so với gần 90% trẻ được tiêm vắc xin Quinvaxem trong TCMR. Hiện nay, ngay tại các thành phố lớn nhiều người dân cũng đã tiêm Quinvaxem cho trẻ.
Như tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, mỗi tháng tiêm khoảng 4.000 liều 5 trong 1 Quinvaxem, chưa kể số lượng tiêm được triển khai tại các trạm y tế xã, phường.
Vì thế, TS Phu khuyến cáo, để phòng bệnh cho trẻ, các bậc phụ huynh hãy cho con đi tiêm phòng đúng độ tuổi, đúng lịch để phòng những rủi ro về sức khỏe cho trẻ.
Hồng Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét