Mối lo ngại lớn nhất của loài người về khả năng đụng độ quân sự được cho là không nằm ở eo biển Đài Loan, Bán đảo Triều Tiên, Iran, Israel, khu vực Kashmir hay Ukraine.
Mà thực ra, khả năng này nằm trên bầu trời, ở vùng phi quân sự trên quỹ đạo trái đất. Đó là nơi mà Trung Quốc, Mỹ và Nga đang âm thầm chạy đua vũ trang mặc dù cả 3 “người khổng lồ” này luôn phủ nhận sự thật.
Khoảng 1.300 vệ tinh đang hoạt động ôm lấy trái đất tạo thành một mạng lưới cung cấp cho toàn thế giới những khả năng giao tiếp, dịch vụ định vị toàn cầu GPS, dự báo thời tiết và do thám hành tinh. Hiện nay, Trung Quốc và Nga đang thách thức vị trí hàng đầu của Mỹ trên không gian với những chương trình quân sự hóa không gian đầy tham vọng. Mặc dù có vẻ như mới bắt đầu song cuộc chạy đua có thể dẫn đến xung đột quân sự nguy hiểm.
Những cuộc thử nghiệm vũ khí tấn công trên không gian vũ trụ
Đầu năm 2015, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) James Clapper trong khi trình bày trước Quốc hội nước này về mối lo ngại các vệ tinh Mỹ đang bị đe dọa, ông ta cũng liên hệ đến hàng loạt những cuộc thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh của Trung Quốc được khởi động từ năm 2007.
Có nhiều cách để vô hiệu hóa hay thậm chí phá hủy các vệ tinh trên quỹ đạo trái đất. Đơn giản nhất, một con tàu vũ trụ có thể tiến gần đến vệ tinh và phun sơn lên hệ thống quang học, gây tác động làm gãy các ăngten thông tin liên lạc hay gây mất ổn định quỹ đạo vệ tinh. Vũ khí laser có thể được sử dụng để tạm thời vô hiệu hóa hay gây tổn hại thường xuyên đến các thành phần của vệ tinh, đặc biệt là mạng lưới cảm biến mỏng manh và sóng vô tuyến hay vi sóng có thể gây nhiễu hoặc tấn công đường truyền đến hoặc từ các trạm kiểm soát trên mặt đất.
Phản ứng trước một loạt mối đe dọa đáng sợ này, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã dự thảo ngân sách ít nhất 5 tỉ USD cho 5 năm tới trong nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ cũng như tấn công trong chương trình quân sự không gian của Mỹ. Viễn cảnh về một cuộc chiến tranh trên không gian vũ trụ thật ra chẳng phải là điều gì quá mới mẻ. Do lo sợ vũ khí hạt nhân của Liên Xô được phóng đi từ quỹ đạo, Mỹ bắt đầu thử nghiệm kho vũ khí chống vệ tinh vào cuối những năm 50 thế kỷ trước.
Thậm chí, Mỹ còn tiến hành thử nghiệm bom hạt nhân trong không gian trước khi vũ khí hủy diệt hàng loạt trên quỹ đạo bị cấm bởi Hiệp ước Không gian vũ trụ (OST) năm 1967 của Liên Hiệp Quốc.
Trong thời Chiến tranh lạnh, Liên Xô đã phát triển và thử nghiệm loại vũ khí gọi là "quả mìn không gian" - tức là con tàu vũ trụ tự phát nổ có thể tìm kiếm và phá hủy vệ tinh do thám của Mỹ bằng cách bắn tới tấp những mảnh vỡ vào mục tiêu. Trong thập niên 80, cuộc chạy đua quân sự hóa không gian lên đến đỉnh điểm với dự án Sáng kiến Phòng thủ Không gian (SDI) - hay "Chiến tranh giữa các vì sao" - trị giá hàng tỉ USD của chính quyền Tổng thống Mỹ Ronald Reagan để đối phó với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Liên Xô.
Và năm 1985, Không quân Mỹ đã tiến hành một cuộc thử nghiệm chứng minh tính hiệu quả của SDI, khi đó một chiếc máy bay chiến đấu F-15 phóng tên lửa tiêu diệt một vệ tinh trên quỹ đạo gần trái đất. Tuy nhiên, không một cuộc chạy đua vũ trang toàn diện nào hay cuộc xung đột trực tiếp nào thật sự nổ ra. Bởi vì, theo Michael Krepon (chuyên gia kiểm soát vũ khí và người đồng sáng lập Trung tâm Cố vấn Stimson ở Washington D.C), cả Liên Xô và Mỹ đều nhận thức rằng hành động thù địch phá hủy vệ tinh có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân trên mặt đất.
Ngày nay, tình huống trở nên phức tạp hơn nhiều, khi mà trên các quỹ đạo thấp (gần trái đất) và cao (địa tĩnh) trở thành trung tâm hoạt động khoa học và thương mại, tập trung hàng trăm vệ tinh của khoảng 60 quốc gia trên thế giới. Mặc dù danh nghĩa là phục vụ hòa bình, song mỗi vệ tinh đều đặt ra mối nguy cơ đáng dè chừng. Rác không gian cũng là mối đe dọa khủng khiếp. Thậm chí, một vật thể nhỏ như viên bi cũng có thể làm vô hiệu hóa hay phá hủy hoàn toàn một vệ tinh trị giá cả tỉ USD. Phương pháp "động lực" như thế có thể được một quốc gia sử dụng để tiêu diệt vệ tinh đối phương.
Mô tả vũ khí chống vệ tinh của Trung Quốc tiêu diệt một vệ tinh thời tiết của nước này.
Năm 2007, nguy cơ về rác không gian càng tăng vọt khi Trung Quốc cho phóng quả tên lửa phá hủy một vệ tinh thời tiết của nước này trên quỹ đạo thấp. Đáp lại, năm 2008, Mỹ cho phóng tên lửa từ tàu chiến hủy diệt một vệ tinh quân sự gặp sự cố trước khi nó rơi vào bầu khí quyển. Mới đây nhất, Trung Quốc đã thử nghiệm loại vũ khí động lực chống vệ tinh từ mặt đất gây lo ngại cho Mỹ.
Cuộc thử nghiệm gần đây nhất diễn ra vào ngày 23-7-2014. Giới chức Trung Quốc nhấn mạnh: những cuộc thử nghiệm tên lửa vì mục đích nghiên cứu khoa học. Song, trong cuộc thử nghiệm vào tháng 5-2013, chính quyền Trung Quốc đã cho phóng quả tên lửa lên đến độ cao 30.000km cách trái đất, tiến sát đến thiên đường an toàn của những vệ tinh địa tĩnh chiến lược! Không phải ngẫu nhiên mà sau cuộc thử nghiệm này, chính quyền Mỹ cho giải mật chi tiết dự án mật "Chương trình Cảnh báo Tình huống không gian địa tĩnh" (GSSAP), trong đó tập hợp 4 vệ tinh có khả năng giám sát các quỹ đạo địa tĩnh của trái đất và thậm chí kết nối với các vệ tinh khác để theo dõi chúng gần hơn. 2 con tàu vũ trụ GSSAP đầu tiên được phóng vào quỹ đạo vào tháng 7-2014.
Lầu Năm Góc chuẩn bị cho Chiến tranh không gian với dự án máy bay không gian vũ trụ mới
Chương trình XS-1 - viết tắt của "eXperimental Spaceplane 1", máy bay không gian thử nghiệm - không phải là vũ khí không gian. Thật ra, đó là loại phòng thủ chống vũ khí không gian, nhất là những con tàu vũ trụ sát thủ cũng như rốckét hủy diệt vệ tinh mà Trung Quốc và Nga đang triển khai.
Mẫu thiết kế XS-1.
Các nhà nghiên cứu quân sự Mỹ tin chắc rằng, với bất cứ cuộc xung đột nào trong tương lai giữa các cường quốc trên thế giới, quỹ đạo trái đất sẽ trở thành chiến trường khốc liệt mà nơi đó các vệ tinh vũ trang laser sẽ săn đuổi những chiếc máy bay trên quỹ đạo và những quả tên lửa phóng từ mặt đất hay tàu chiến vào không gian tiêu diệt tàu vũ trụ của đối phương. Dĩ nhiên, quốc gia nào phục hồi nhanh nhất từ cuộc tàn sát ban đầu trên quỹ đạo sẽ nắm giữ vai trò thống trị không gian vũ trụ - chiến trường cuối cùng trong bất cứ cuộc chiến tranh công nghệ cao nào.
Theo DARPA - Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ - thì: "Trong kỷ nguyên ngân sách hạn hẹp và trình độ ngày càng cao của đối phương, sự tiếp cận không gian một cách nhanh nhẹn là yếu tố chủ chốt bảo đảm an ninh quốc gia và kinh tế". Đó chính là mục tiêu của XS-1. DARPA kỳ vọng chiếc máy bay không gian mới XS-1 tái sử dụng được, có khả năng tải vệ tinh nặng 2 tấn vào không gian, thực hiện 10 chuyến bay và mỗi chuyến tiêu tốn chưa đến 5 triệu USD.
Giới quân sự Mỹ cũng quan tâm xây dựng những vệ tinh nhỏ hơn và đơn giản hơn để sản xuất nhanh hơn và rẻ tiền hơn. Theo DARPA, XS-1 là loại máy bay không người lái và có thể đạt đến tốc độ siêu thanh Mach 10 (tương đương 10 lần tốc độ âm thanh). Để so sánh, chiếc tàu du lịch vũ trụ SpaceShipTwo của Tập đoàn Virgin Galatic do tỉ phú người Anh Richard Branson thành lập có thể đạt vận tốc tối đa Mach 2 trước khi nổ tung trên không phận sa mạc Mojave, bang California (Mỹ) vào tháng 10-2014. Nga và Trung Quốc cũng đang nỗ lực phát triển máy bay không gian có vận tốc siêu thanh để cạnh tranh với Mỹ. Nhưng, Boris Obnosov - lãnh đạo các chương trình tên lửa của Nga - nói rằng "công việc không hề dễ dàng".
Công ty Boeing đã vượt qua được các công ty khác để giành hợp đồng XS-1. Bắt đầu từ mùa hè 2014, 2 công ty Masten Space Systems và Northrop Grumman cũng giành được quyền thiết kế XS-1. DARPA chi cho cả 3 công ty 4 triệu USD mỗi bên để thực hiện công việc thiết kế sơ bộ. Song thành công của Boeing trong xây dựng máy bay X 37B cho Không quân Mỹ có vẻ đã giúp cho nhà chế tạo máy bay ở Chicago có được hợp đồng XS-1. Boeing cũng không gặp trở ngại gì khi tranh thủ công ty khởi nghiệp chế tạo tên lửa đẩy Blue Origin đặt trụ sở tại Washington giúp chế tạo động cơ cho XS-1.
Giới thiệu mẫu thiết kế động cơ BE-4 của Blue Origin.
Được thành lập bởi tỉ phú sáng lập Amazon.con Jeff Bezos, Blue Origin đang sản xuất những tên lửa đẩy không gian có thể tái sử dụng giúp máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng. Có vẻ như Boeing muốn thay đổi động cơ BE-4 mạnh mẽ của Blue Origin cho XS-1. Động cơ BE-1 vẫn đang trong vòng thử nghiệm và sẽ hoàn tất để sản xuất vào năm 2017. Bước kế tiếp của Boeing là hoàn thành bản thiết kế XS-1 và thử nghiệm các công nghệ cơ bản của nó trước tháng 8-2016. DARPA muốn một nguyên bản XS-1 để tiến hành sứ mạng thử nghiệm muộn nhất là năm 2019. Sau đó, Lầu Năm Góc mới có thể quyết định xây dựng nhiều chiếc XS-1 để sử dụng thường xuyên.
Hiện vẫn chưa rõ những chiếc máy bay không gian có giá bao nhiêu, song 2 chiếc X-37 khoảng 1 tỉ USD mỗi chiếc. Mỗi năm, nước Mỹ đầu tư 40 tỉ USD cho quỹ đạo trái đất, tức nhiều hơn phần còn lại của thế giới cộng lại. Hơn 400 vệ tinh và máy bay không gian của Mỹ chiếm gần một nửa số máy bay không gian đang hoạt động trên thế giới. Tiến sĩ Laura Grego, chuyên gia không gian của Hội Các nhà khoa học UCS nhận định: "Mỹ đầu tư rất nhiều vào không gian và phụ thuộc vào nó để phục vụ thông tin liên lạc, kinh tế và quân sự nhiều hơn các nước khác". Trong một blog mới đây, Grego viết: "Nỗ lực đầu tư này trở nên quá yếu bởi vì bản thân các vệ tinh là yếu ớt. Sự thật là, dễ tấn công các vệ tinh hơn là bảo vệ chúng".
Thực tế hiện nay cho thấy khả năng phòng thủ của Mỹ không nhiều để bảo vệ các vệ tinh của mình trước những loại vũ khí không gian cạnh tranh khác. Năm 2007, Trung Quốc đã sử dụng tên lửa hủy diệt một vệ tinh đã không còn sử dụng được nữa của mình để chứng minh rằng nước này dễ dàng tiêu diệt con tàu không gian của nước khác. Anatoly Zack, nhà sử học không gian Mỹ nghiên cứu hoạt động của Nga trên quỹ đạo, cho biết Nga có trong tay con tàu vũ trụ được trang bị vũ khí laser và chất nổ có khả năng vô hiệu hóa các vệ tinh Mỹ.
Cũng trong năm 2007, Mỹ đã thành lập một tổ chức mới gọi là "Chiến thuật phản ứng nhanh trên không gian" (ORS) đặt trụ sở tại căn cứ Không quân Mỹ ở New Mexico với mục đích cắt giảm chi phí và thời gian trong xây dựng tàu vũ trụ mới. ORS chi tiêu khoảng 100 triệu USD/năm cho nghiên cứu thiết kế những vệ tinh cỡ nhỏ với giá rẻ và giúp các tổ chức quân sự khác làm điều đó.
Năm 2011, Mỹ sử dụng tên lửa đẩy nhiên liệu rắn Minotaur phóng vệ tinh ORS-1 từ căn cứ Không quân Wallops của NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ) ở Virginia để phục vụ nhiệm vụ do thám quân sự trên không gian.
Theo Duy Ân (tổng hợp)
An ninh thế giới
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét