Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

"Đừng để học sinh đầu thì to mà người còm yếu"

"Ngành GD&ĐT TP.HCM cần quan tâm thực sự đến giáo dục thể chất và đạo đức, lối sống cho học sinh". Đó là ý kiến được nhiều đại biểu nêu ra tại Hội nghị chuyên đề về công tác chuẩn bị năm học mới 2015-2016 do UBMTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức sáng 26-8.

Học sinh đi học mà uể oải quá!

Khi trao đổi về vấn đề tăng học sinh (HS), quá tải trường lớp tại TP.HCM năm học này, GS Trần Đông A, ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQVN, ý kiến: “Năm vừa rồi TP chi 9.000 tỉ đồng cho giáo dục, chiếm 70% ngân sách chi thường xuyên là rất lớn và đáng mừng nhưng TP vẫn tiếp tục quá tải, thiếu trường thì lại lo. Sĩ số HS tăng cao mà bán trú giảm, một số nơi còn nói không có đất “sạch” để xây trường, có trường lên đến cả trăm lớp thì chất lượng giáo dục khó đảm bảo tốt được. Như thế, HS đã học nhiều mà cũng không có chỗ để vận động thì không biết sẽ thế nào".

Vì thiếu sân bãi, HS trường tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1 tập thể dục giữa giờ trong cả hành lang, lớp học.

"Tôi già rồi, đi dạy suốt 8 tiếng vẫn không sao, còn HS ngồi học mà uể oải quá, mới học vài tiếng đã bò trườn rồi úp mặt xuống bàn. Các em ít thời gian và thiếu nơi để vận động quá. Cứ kéo dài thế này, tôi sợ các em đầu ngày càng to nhưng người còm yếu thì không làm được gì cả” – GS A bày tỏ.

Đồng tình ý kiến này, Bà Hoàng Thị Khánh, Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em khuyết tật TP cũng cho rằng, ngành cần chú trọng hơn việc giáo dục thể chất cho HS từ tiểu học đến THPT. Các em phát triển trí tuệ, thi thức nhưng cũng phải có thể lực khỏe mạnh.

Thấy lo cho lối sống của học sinh

Đây cũng là chủ đề được nhiều đại biểu ý kiến tại hội nghị để làm sao HS vừa phát triển cả tri thức lẫn đạo đức.

TS Hồ Hữu Nhựt, ủy viên MTTQVN TP bày tỏ: “Có lần tôi lên xe buýt mà tôi rất buồn vì thấy hàng chục thanh niên không ai chịu nhường ghế cho một ông già mà phải để một cô gái nhường chỗ. Rồi đi đường, ý thức giao thông cũng tệ quá. Người nào cũng mạnh ai nấy đi, vô tư như đang cùng lao vào tàu chiến thời chiến tranh ở Nhật vậy. Nếu chúng ta không quan tâm giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho HS thì thật đáng lo”.

Đồng ý quan điểm này, GS Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBMTTQVN TP băn khoăn, nhìn vào số liệu HS vi phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua tại TP thì thấy rằng, số HS vi phạm quy chế thi nhiều nhất là ba môn Ngữ Văn, Địa Lý và Lịch Sử.

“Tôi không hiểu tại sao HS lại vi phạm những môn học cơ bản như thế. Người Việt Nam thì phải biết lịch sử, ngôn ngữ, địa lý của nước mình chứ nhưng sao khó khăn thế. Sở nên chú trọng và phổ biến đến các trường để làm sao chăm lo kỹ hơn việc giảng dạy các môn này cho HS. Vì xã hội giờ phức tạp, nếu HS không biết rõ cội nguồn, kiến thức về đất nước mình thì rất nguy hiểm” – GS Sơn đề nghị.

GS Sơn cũng kiến nghị ngành cần chú trọng giáo dục đạo đức song song với truyền thụ kiến thức cho HS.

“Sở phải yêu cầu giáo viên khi dạy bắt buộc phải lồng ghép các giá trị văn hóa, đạo đức, truyền thống cho các em. Chúng ta không chỉ dạy cho cấp dưới mà phải dạy xuyên suốt các cấp học, thậm chí lên ĐH. Tùy theo mỗi cấp học mà chúng ta có cách truyền tải khác nhau nhưng phải chú trọng thực sự” – GD Sơn nói.

Tuy nhiên, để làm được điều đó, theo GS Sơn, vai trò của giáo viên là quan trọng nhất. Sở phải chú trọng vấn đề đào tạo giáo viên ở các cấp học. Không chỉ để giáo viên biết cách lồng ghép mà còn để chuẩn bị tốt nhất đội ngũ cho đợt áp dụng chương trình giáo dục mới sau năm 2018.

Cần sự phối hợp của cả gia đình và xã hội

Qua các ý kiến trên, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP ghi nhận các đóng góp từ các đại biểu để có hướng điều chỉnh phù hợp. Tuy nhiên, về vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, ông Nam cho rằng, Sở đã sớm có định hướng và những giải pháp để giảng dạy đạo đức trong nhà trường. Trong đó, nhấn mạnh sự phối hợp giữa ba môi trường: Nhà trường, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, theo ông Nam, khó khăn lớn nhất hiện nay là xã hội, người lớn chưa làm gương và tạo môi trường tốt để giáo dục đạo đức cho các em.

“Nhà trường dạy các em không vượt đèn đỏ nhưng ba mẹ chở con đi học lại vi phạm, dạy các em không xả rác nhưng người lớn ăn uống xong ở đâu là vứt rác ở đó, dạy các em bảo vệ môi trường nhưng người lớn ném rác xuống kênh rạch gây ô nhiễm… Lúc này, vai trò của xã hội và gia đình mới là quan trọng nhất và cần thay đổi để giáo dục các em” – ông Nam nói.

Quan tâm hơn việc học tiếng Anh cho HS khuyết tật

Toàn TP có khoảng 25.000 HS khuyết tật ở. Trong đó có rất nhiều em phát triển tốt về trí tuệ, muốn học tiếng Anh như HS bình thường nhưng trường không có trang thiết bị đặc thù và không có giáo viên phù hợp. Như thế rất thiệt thòi cho các em.

Ngành giáo dục nên quan tâm hơn đến việc học ngoại ngữ và hướng nghiệp cho HS khuyết tật, có thể đầu tư cho một vài trường hoặc vài lớp để đáp ứng nhu cầu này cho các em.

Bà Hoàng Thị Khánh

Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em khuyết tật TP.HCM

Không nên giảm biên chế với giáo dục và y tế

Việc giảm biên chế 10% trong lĩnh vực giáo dục và y tế là rất không nên. Các lĩnh vực khác cần phải giảm vì dư người quá. Tôi đi đến làm việc một số nơi, dù trong giờ hành chính nhưng người thì tán dóc, người dũa móng tay… Trong khi giáo dục và y tế lại không làm hết việc, HS thì đông, tuyển nhiều mà vẫn thiếu, ngành y tế thì làm đến 7-8 giờ tối vẫn không hết việc. Nếu cắt nữa thì quá thiếu và không ai làm hết việc được.

GS Trần Đông A

Ủy viên Ủy ban trung ương MTTQVN

TheoPHẠM ANH/ Pháp luật TP.HCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến