Rằm tháng Bảy về khi tiết trời đã sang thu. Hoa sữa bắt đầu dìu dặt tỏa hương, ấy thế mà gió Lào vẫn thổi xao xác tưởng như làm chao đảo cả bụi tre bên hông nhà.
Sáng sớm đã nghe tiếng mẹ lục đục dậy nhen lửa. Dù trong lúc mơ màng ngái ngủ con vẫn có thể mường tượng ra mẹ đang lúi húi bên bếp, mắt cay vì khói. Con bảo mấy năm ở thành phố uống thứ nước trong bình nhạt nhẽo chẳng có mùi vị nên về nhà uống nước mẹ nấu có mùi khói thơm ngọt làm sao. Thực ra, nước quê đã ngọt càng ngọt hơn bởi sự tảo tần đảm đang của mẹ.
Lục lại những bức hình đen trắng có tấm ảnh mẹ và con chụp bên cây bông cảnh ở nhà nội. Hai mẹ con mặc hai chiếc áo giống nhau, hồi đó mẹ là thợ may nên thường may đồ mẹ con mình giống nhau như thế. Mẹ bồng con tay này, tay kia cầm bông để dỗ con nhìn phía máy ảnh mà cười. Chắc ông thợ chụp ảnh ngày xưa bực lắm khi ảnh in ra, con ngoái đầu phía sau, chỉ nhìn thấy thấp thoáng tướng con gầy còm, đen đúa. Xem hình lúc nào mẹ cũng tặc lưỡi, thương con còm cõi của những năm tháng cực khổ ngày xưa.
Mỗi lần mấy chị em tị nạnh mẹ thương đứa này hơn đứa kia là mẹ bắt đầu nhọc nhằn phân trần. Mẹ bảo, con nhỏ yếu, gầy gò nhất nhà nên phải thương bù. Em trai đi học xa nhà từ nhỏ nên phải thương em hơn. Em gái hay ốm đau nên có gì mẹ cũng thương em nhất. Còn bé út thì tất nhiên phải thương nhiều rồi. Cứ thế, đứa nào cũng có lý do để thương bù, thương nhiều, thương nhất mà chẳng có thương nhì. Trái tim của mẹ chừng nào thì dành cho chúng con hết thảy chừng ấy.
Chúng con lớn lên đứa nào cũng muốn đi xa, đi tới những nơi xôn xao đẹp đẽ để sống và tận hưởng, chứ không phải quay về nhà, gặp cha gặp mẹ trong mái nhà lổn nhổn, tạp nham khói bụi và bồ hóng ám đen. Hình như chỉ khi chồn chân mỏi gối, khi chẳng có nơi nào để chứa chấp bao nỗi buồn cùng cực, mới quay về rưng rức bên vai mẹ, nghe mẹ dỗ dành ầu ơ như thuở còn nằm nôi. Con cái đều ích kỷ mà cha mẹ luôn bao dung vô ngần.
Các em còn nhỏ chưa hiểu hết chuyện đời, như con bồng bột non trẻ nên ba mẹ phải lo lắng nhiều. Thế nên, chỉ mong tụi con không là nỗi lo, là gánh nặng, là tiếng thở dài mỗi khi ba mẹ nghĩ về. Biết rằng yên tâm toàn vẹn ắt khó lắm, cứ trăm bề thể nào mẹ cũng chọn ra cớ để mà lo. Nỗi lo kéo dài bất tận cho đến khi đi hết cuộc đời.
Hôm rồi, thấy mẹ cầm tờ báo mà nheo mắt khổ sở, ngày tháng đi mau mẹ con đâu còn trẻ. Nhan sắc và xuân xanh qua đi bởi bao lo toan vất vả cho gia đình. Có bận nhìn từ xa mẹ còn nhẫm lần đứa này với đứa kia nên mấy chị em vờ trêu vài bữa già không khéo mẹ không nhận ra tụi con mất. Nói vui mà lòng chẳng thể cười, cứ ước giá có thể níu lại năm tháng làm tan đi mấy vạt chân chim đồi mồi và nhuộm xanh đám tóc đang nhá nhem phai màu kia. Nghĩ về cuộc đời vô thường con lại lo, đời trước cách đời sau chỉ một hơi thở mong manh ai ngờ.
Có lần, con thấy mình tan tác từ một câu nói bâng quơ của đứa bạn “mình không có mẹ”. Bạn nói nhẹ nhàng thôi, như cái sự đớn đau ấy đã qua lâu rồi nhưng trong ánh mắt vời vợi ấy, giọt nước mắt đang chần chừ chực rơi. Câu nói buông ra mà biết rằng phía sau ấy bầu trời của bạn khép lại một nửa, con đường hẹp đi, tình yêu cũng khuyết.
Khi đã vào đời, hiểu rằng cuộc đời đông đúc lắm mà lòng người chật hẹp, bậc làm con càng thấm thía rằng chẳng ai yêu thương và hy sinh cho mình vô điều kiện như mẹ, như cha. Thế nên, lễ Vu Lanlà dịp nhắc nhở người ta thôi chật vật quay quắt kiếm sống để hướng về cha mẹ, nhớ ơn sinh thành dưỡng dục. “Hãy yêu đi khi mẹ còn đây” bởi đến khi về trời có đốt bao tiền vàng cũng chỉ là tro bụi, cài bông hồng trắng lên ngực mới nuối tiếc muộn màng.
Tự nhủ rằng, niềm hạnh phúc bây giờ của chúng con, đơn giản là có mẹ có cha, có cả thế gian này…
Diệu Ái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét