Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

Rao bán tràn làn 'cảnh phục, phụ kiện' ngành công an

(TNO) Trên các trang mạng xã hội rao bán thắt lưng, giày cấp úy, cấp tá, cấp tướng... cùng nhiều móc khóa, ví da bò, áo quần... in logo của ngành công an.

Rao bán tràn làn 'cảnh phục, phụ kiện' ngành công an - ảnh 1Phụ kiện móc khóa gắn logo của ngành công an được giới thiệu là "sản xuất bằng công nghệ tiên tiến"

Nở rộ
Lên mạng và các trang mạng xã hội (đặc biệt là mạng xã hội Facebook) gõ từ khóa “phụ kiện công an” sẽ thấy không ít thông tin rao bán đồ ngành công an như mũ bảo hiểm, thắt lưng, giày, móc khóa, ví da…
Rao bán tràn làn 'cảnh phục, phụ kiện' ngành công an - ảnh 2
Rao bán tràn làn 'cảnh phục, phụ kiện' ngành công an - ảnh 3
Rao bán tràn làn 'cảnh phục, phụ kiện' ngành công an - ảnh 4Một số phụ kiện gắn logo của ngành công an được quảng cáo trên một tài khoản Facebook
Trên các trang này, phần lớn đều cho số điện thoại, địa chỉ liên hệ công khai để ai cũng có thể mua dễ dàng. Khi chúng tôi gọi đến số điện thoại của một người tên A.D. (ở Hà Nội), người này nhanh nhảu giới thiệu: “Bên em bán nhiều hàng về ngành công an”. Người này nói tiếp, có giày cấp úy, cấp tá và cấp tướng giá dao động từ 400-600.000 đồng. Còn thắt lưng được bán với giá 320.000 đồng, mũ bảo hiểm 230.000 đồng. Nếu lấy hàng số lượng nhiều, sẽ giảm 15% đơn đặt hàng.
Khi chúng tôi nghi ngờ là hàng giả, hàng nhái, người đàn ông này nói hàng được lấy từ một công ty của Bộ Công an. “Chị đừng lo về chất lượng. Đồ công an sao thì đồ tụi em y chang vậy, hàng công ty mà (!?)”, D. nói. Người này còn khẳng định: “Tụi em làm ăn uy tín, không vi phạm pháp luật, hàng này đâu phải là hàng cấm bán ra thị trường đâu”.
Ngoài những mặt hàng nêu trên, A.D. còn bán móc khóa công an giá 85.000 đồng, còi mạ vàng có logo công an dập nổi hai bên giá 120.000 đồng, ví da bò 450.000 đồng (khắc logo ngành công an), áo khoắc gắn logo ngành công an 190.000 đồng...
Khi chúng tôi đặt vấn đề về chất lượng của những mặt hàng này, D. nói, móc khóa ngành công an 100% da thật, khoen đeo bằng inox sáng bóng… Còn ví da bò khắc logo ngành công an và tên theo công nghệ khắc laser nên không sợ phai mờ.
“Tụi em có máy khắc riêng để khắc lên ví, áo, túi xách, đảm bảo mua những hàng này chỉ có bên em mới “sản xuất” được; vừa độc, vừa đẹp mà lạ mắt”, D. nói với vẻ tự hào.
Dễ bị kẻ xấu lợi dụng
Đại tá Trần Văn Quảng, Phó trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an cho biết, theo quy định của ngành, những mặt hàng như thắt lưng, giày cấp tướng, cấp tá của công ty thuộc ngành công an, không được bán ra ngoài. Việc cảnh phục, các phụ kiện của ngành công an được rao bán dễ bị kẻ xấu lợi dụng, mạo danh công an thực hiện hành vi lừa đảo...
Rao bán tràn làn 'cảnh phục, phụ kiện' ngành công an - ảnh 5Một tấm ảnh minh họa dùng vào việc rao bán quần, áo của ngành công an trên một trang Facebook
Theo đại úy Nguyễn Nam Hào - Cơ quan CSĐT Bộ công an, việc lấy logo của ngành công an để in lên quần áo, móc khóa... là vi phạm về việc sử dụng hình ảnh không xin phép. Nếu sử dụng những mặt hàng này vào mục đích bất hợp pháp như lừa đảo, mạo danh công an thì phải xử lý hình sự. Riêng các phụ kiện lấy trực tiếp trên ve hàm chiến đấu của công an, logo ''CA'' dập nổi hai bên là không đúng với quy định và sẽ bị xử lý nghiêm nếu vi phạm.
Trao đổi với Thanh Niên Online về vấn đề này, luật sư (LS) Nguyễn Thạch Thảo (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho rằng, theo quy định, quân trang (bao gồm cả phù hiệu, cấp hiệu, quân hiệu của quân đội, công an), quân dụng cho lực lượng vũ trang là những mặt hàng thuộc Phụ lục I, Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh bán hành kèm theo Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12.6.2006 của Chính phủ.
Nếu cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi sản xuất, tàng trữ, sử dụng, mua bán, vận chuyển trái phép, làm giả hàng hóa thuộc diện cấm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về hàng hóa cấm kinh doanh được thực hiện theo Điều 10 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15.11.2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xử phạt tương ứng với giá trị hàng hóa cấm kinh doanh.
Nhìn chung, mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh, vận chuyển, giao nhận, tàng trữ quân trang, quân dụng (là hàng cấm) có thể bị phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định vừa nêu đối với hành vi sản xuất hàng cấm.
Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền còn có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung để tịch thu tang vật, phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 1 - 3 tháng; đình chỉ hoạt động một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất vi phạm từ 3 - 6 tháng… và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc tiêu hủy tang vật, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hoặc buộc thu hồi tiêu hủy hàng cấm đang lưu thông trên thị trường.
Trong trường hợp sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán quân trang, quân dụng với số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 155 Bộ luật Hình sự về tội “Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm” với mức hình phạt cao nhất 15 năm.
Theo quy định thì quân trang, quân dụng được cấp phát cho cán bộ, công chức sử dụng khi thi hành công vụ. Người được cấp có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn cẩn thận và khi sử dụng phải đúng mục đích, đúng quy định. Khi chuyển ngành, thôi việc hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc thì Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm thu hồi.
Việc bày bán tràn lan các mặt hàng trên dẫn đến hệ lụy ảnh hưởng không tốt đến đời sống xã hội. Một số đối tượng lợi dụng, sử dụng quân trang, quân phục… để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như: giả danh sĩ quan quân đội, công an để lừa đảo; giả danh lực lượng Cảnh sát Cơ động, CSGT vòi vĩnh tiền người tham gia giao thông, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của lực lượng vũ trang nhân dân.
LS Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức Chánh cũng cho rằng, hiện nay, pháp luật đã ban hành nhiều quy định pháp luật để điều chỉnh các hành vi sản xuất, kinh doanh, buôn bán trái phép quân trang quân dụng. Đây được xem là các mặt hàng đặc thù chỉ được sản xuất và cung cấp trong các cơ quan chuyên ngành như công an, quân đội...
Theo quy định, những mặt hàng này là hàng cấm. Bởi lẽ, nếu như các mặt hàng này được sản xuất và cung cấp ra thị trường mà không có sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng thì chắc chắn các đối tượng xấu sẽ lợi dụng các quân phục trên như: quần áo cảnh sát, giày dép, nón, quân hàm để thực hiện các hành vi mạo nhận là những người đại diện cho cơ quan nhà nước thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật đối với các cá nhân hoặc các tổ chức.
Theo LS Chánh, không một cá nhân hay doanh nghiệp nào được phép tự ý sản xuất và cung cấp ra thị trường. Việc in logo công an lên quần áo, túi xách, ví da là sai quy định.
Giả danh công an
- Tháng 7.2015 Lý Hồng Hạnh (tạm trú Dĩ An, Bình Dương) lập 1 tài khoản Facebook lấy tên Nguyễn Thanh Hùng, tự nhận mình là Cảnh sát hình sự thuộc Công an Bình Dương. Bằng cái mác công an này, Hạnh đã lừa chị Nguyễn Thị Ngọc K. (ngụ phường 8, TP.Bến Tre, Bến Tre), cướp xe máy, tiền, vàng...
- Ngày 23.1.2015, công an Cần Thơ nhận tin về một người mặc cảnh phục, mang cấp hàm trung úy và tự xưng là cán bộ công an đang ngồi nhậu ở một quán tại phường An Thới (quận Bình Thủy) với nhiều biểu hiện khả nghi. Sau đó, Đội điều lệnh (Phòng Công tác chính trị - Công an TP.Cần Thơ) và Công an phường An Thới đã đến quán kiểm tra thì “trung úy” khai tên thật là Trần Hữu Lợi, đã tìm mua cảnh phục, quân hàm, thắt lưng công an, bảng tên... để mạo nhận làm công an nhằm lấy uy với bạn bè.
- Tháng 1.2015,Lê Văn Thanh ra tòa vì chủ mưu làm giả thẻ ngành công an, giả danh công an, kiểm tra xe của những người lưu thông trên đường nhằm chiếm đoạt tiền. Trước đó, rạng sáng ngày 18.5.2014, Thanh cùng Lê Hoàn Tâm, Nguyễn Tòng Dương, Vũ Trần Hoàng Phong mang theo bộ đàm, 4 thẻ ngành công an, cây ba trắc, còng số 8... đi "làm việc" và bị bắt giữ.
- Tháng 11.2014, Trần Văn Hóa và Ngô Văn Minh (cùng tạm trú phường Long Bình, TP.Biên Hòa, Đồng Nai), bị bắt khi đang giả danh công an huyện Cẩm Mỹ, đi bán sách "do Bộ Công an phát hành".
- Ngày 15.8.2014, Võ Xuân Hòa mặc trang phục cảnh sát cấp hàm trung sĩ trong lúc chuẩn bị trộm cắp tại xóm trọ K3/4 Nguyễn Hữu Thọ, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu (TP.Đà Nẵng) thì bị công an phường bắt quả tang. Hòa khai nhận trong một lần điều khiển xe máy bị Đội CSGT Công an quận Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) xử phạt, Hòa đến Công an quận Sơn Trà giải quyết thì thấy có một bộ trang phục cảnh sát treo sơ hở nên đã lấy trộm. (Kim Lan)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến