Sau khi công trình nước sạch đi vào hoạt động không lâu, hàng chục ngôi nhà dân bỗng dưng nứt toác, nhiều giếng khoan, ao hồ gần đó cũng trơ đáy. Người dân hoang mang nghi ngờ nguyên nhân chính là do nhà máy nước sạch gây nên.
Hàng chục hộ dân hoang mang vì nhà bỗng dưng nứt toác
Nhà, đường nứt; ao, giếng cạn kiệt
Theo phản ánh của các hộ dân thôn Bùi 2, xã Tiến Lộc (huyện Hậu Lộc- Thanh Hóa), bao nhiêu năm qua ở đây chưa bao giờ xảy ra tình trạng như trên. Tuy nhiên, từ sau khi nhà máy nước sạch được xây dựng và đi vào hoạt động, một thời gian ngắn sau đó bắt đầu xuất hiện những vết nứt tường, nền nhà sụt. Không những vậy, những chiếc giếng khoan hay ao hồ gần đó cũng bỗng nhiên cạn kiệt, không một giọt nước.
Ông Hoàng Ngọc Ngôn lo lắng cho biết: “Ban đầu xuất hiện những vết nhỏ, nghĩ bình thường nên tôi không để ý. Đến khi vết nứt ngày càng há rộng và xuất hiện thêm nhiều vết rạn nứt mới hoang mang. Hiện căn nhà cấp 4 của gia đình có nhiều chỗ trên tường đã bị nứt toác hết. Gia đình tôi bây giờ sống trong nhà vô cùng bất an vì sợ nhà đổ lúc nào không biết, đặc biệt là mùa mưa lũ sắp tới”.
Cùng chung tình trạng với gia đình ông Ngôn là hàng chục ngôi nhà ở thôn Bùi 2. Theo phản ánh của bà con, đến nay hầu hết các hộ dân thôn Bùi 2 đều có hiện tượng rạn nứt tường nhà, trong đó có 36 hộ bị nứt thấy rõ được các cơ quan chức năng xuống kiểm tra và đánh dấu theo dõi. Gia đình bà Nguyễn Thị Hài ông Hoàng Ngọc Cạy là những hộ bị ảnh hưởng nặng nhất, tường nhà nứt nham nhở khắp nơi. Không chỉ có nứt tường mà nền nhà, sân vườn cũng có vết nứt gãy rất khó hiểu.
Không chỉ nứt, sụt nền nhà mà đến đường bê tông cũng bị nứt toác... Trong khi đó, toàn bộ nguồn nước tự nhiên, ở giếng khơi, giếng khoan bị cạn kiệt dân không có nước tưới cây, tưới rau, vệ sinh chuồng trại
“Chúng tôi ở đây hàng chục năm, nhưng chưa bao giờ thấy giếng cạn nước kể cả những năm hạn hán kỷ lục. Đến nay giếng nhà nào cũng trơ đáy, khiến chúng tôi vô cùng khó khăn trong việc tắm giặt, vệ sinh nhà cửa, chuồng trại” – ông Hoàng Ngọc Ngôn nói.
Ngay trong buổi tìm hiểu của PV thì nhà ông Hoàng Ngọc Duy bị rơi một mảng trần nhà khiến cả gia đình đang ngủ trưa sợ hãi chạy ra ngoài. Qúa hoảng sợ, ông Duy đã đạp xe ra ủy ban xã báo cáo sự việc.
“Cả gia đình đang nghỉ trưa thì bỗng có một tiếng động rất lớn trong buồng, mọi người trong nhà chạy vào thì thấy một đống vôi vữa bắt tung tóe khắp nhà, nhìn lên trên thì thấy lộ ra một mảng trần rất to. Hoảng quá gia đình tôi chạy hết ra ngoài sân” – ông Duy kể lại.
Ghi nhận thực tế cho thấy, trần nhà ông Duy rơi một mảng vôi vữa rất lớn có chiều dài khoảng 1 m, chiều rộng khoảng 60 cm. Tại điểm bong tróc này có một vết nứt chạy dài, nước ngấm qua trần tạo thành vết.
Được biết, xã Tiến Lộc là xã có truyền thống làm nghề rèn, do việc ô nhiễm từ hoạt động của làng nghề, lo lắng cho sức khoẻ của người dân nơi đây mà các cấp ngành chức năng đã nỗ lực, ưu ái cho xã này một nhà máy nước sạch từ nguồn vốn ADB. Thế nhưng, niềm vui do nhà máy nước sạch đi vào hoạt động chưa tròn một năm thì hàng loạt hộ dân sống gần khu vực nhà máy lại hoang mang vì nỗi lo nhà sập.
Vẫn chưa tìm ra nguyên nhân
Trước tình trạng trên, người dân đã phản ánh sự việc với chính quyền địa phương và đã có nhiều đoàn kiểm tra, đo đếm, xác nhận có hiện tượng như người dân phản ánh. Tuy nhiên, nguyên nhân có phải do nhà máy nước sạch gây nên không thì vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Ông Hoàng Văn Thiêm, Phó chủ tịch UBND xã Tiến Lộc, cho biết:. “Tình trạng nứt nhà, đường hay ao giếng cạn kiệt được người dân phản ánh là do nhà máy nước sạch gây ra tuy nhiên đó chỉ là phỏng đoán chứ chưa có kết luật chính thức nào được đưa ra. Địa phương đã đề nghị cấp trên mời các kỹ sư, chuyên gia địa chất về kiểm tra làm rõ nguyên nhân cho người dân yên tâm”.
Cũng theo ông Thiêm thì lúc đầu có 16 hộ nhưng đến nay đã tăng lên 36 hộ bị nứt nhà.
Ông Nguyễn Xuân Trang, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Thanh Hóa (đơn vị quản lý trạm cấp nước sạch xã Tiến Lộc) nhận định có thể việc khai thác nguồn nước ngầm quá lớn dẫn tới hụt hẫng nguồn nước phía dưới gây ra nứt gãy tầng địa chất, cộng thêm đó tại khu vực thôn Bùi 2 người dân sống tựa lưng vào núi tiếp giáp với cánh đồng nên khi nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức sẽ gây sụt lún làm nứt nhà dân.
“Sau khi ghi nhận thực tế, chúng tôi đã báo cáo Sở NN-PTNT và các ban ngành liên quan để đưa ra biện pháp xử lý. Một đoàn công tác của Cục quán lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT) cũng đã về kiểm tra, ghi nhận thực tế và khuyến cáo chúng tôi giảm tần xuất bơm nước từ 100% công suất xuống 50% để theo dõi diễn biến, chờ kết luận cuối cùng” – ông Trang nói.
Được biết, ngày 13/8, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản gửi các ban ngành có liên quan yêu cầu nhanh chóng thuê nhà tư vấn xác định rõ nguyên nhân để có biện pháp khắc phục. Chỉ đạo Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tính toán nhu cầu sử dụng nước của các hộ dân thuộc Dự án, chỉ khai thác lượng nước đủ cấp cho sinh hoạt.
Trong khi chờ kết luận của cơ quan chuyên ngành, các nhà khoa học xác định hiện tượng rạn nứt, tiếp tục theo dõi hiện tượng trên nếu có bất thường dừng ngay việc khai thác báo cáo kịp thời lên cấp trên để có biện pháp xử lý. Đồng thời khẩn trương phối hợp với UBND xã Tiến Lộc lập biên bản xác định các vết nứt, thiệt hại về tài sản để làm cơ sở cho việc hỗ trợ, bồi thường.
Nguyễn Thùy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét