Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

Chặn xe chở rác: Mới chặn phần ngọn

Mới đây, người dân H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) chặn xe chở rác vào khu xử lý chất thải rắn Khu kinh tế Dung Quất vì lo ngại ô nhiễm nhưng đó là “phản ứng tự vệ” có tính nhất thời. Nói cách khác, đó chỉ mới “chặn phần ngọn” của câu chuyện ô nhiễm mà thôi.

Rác thải không xử lý hết ở Dung Quất
Rác thải không xử lý hết ở Dung Quất - Ảnh: P.U
Con số 7 người chết vì ung thư từ đầu năm đến nay ở một ngôi làng thôn Đông Bình, xã Bình Chánh, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) cộng với hình ảnh rác thải trong khu xử lý phơi nắng phơi mưa nhiều ngày, khói do đốt chất thải bay ra khu dân cư cách khu xử lý chỉ 1,5km… thì nỗi lo sợ của người dân để dẫn đến việc chặn xe chở rác là hoàn toàn có cơ sở.
Khi lưỡi hái tử thần vẫn âm thầm cướp đi sinh mạng người dân, những lời giải thích như “chưa đủ cơ sở để kết luận nguồn nước ô nhiễm” của cơ quan quản lý y tế dễ thành “việt vị”. Nhất là khi, ngay ở thì hiện tại, khoảng cách từ hố chôn rác đến khu dân cư chỉ 1,5 km trong khi quy định tối thiểu là 2,5km, vẫn được chấp nhận trong một thời gian dài vì “khó khăn trong việc tìm địa điểm mới”.
Đây không phải là lần đầu Quảng Ngãi xuất hiện trên truyền thông như một điểm nóng về rác thải. Ở huyện đảo Lý Sơn, địa điểm du lịch nổi tiếng hiện nay cũng đang đối mặt với rác thải khi mỗi ngày 21.000 dân và khách du lịch thải ra khoảng 10 tấn rác, trong khi nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt do Bộ Tài nguyên-Môi trường áp dụng thí điểm với tổng vốn đầu tư 30 tỉ đồng, công suất 15 tấn rác/ ngày nhưng chỉ xử lý được 1,5 tấn. Số rác còn lại, các công nhân lẫn kỹ sư đều phải xử lý bằng hình thức thủ công, vừa nhếch nhác, vừa mất vệ sinh, tạo hình ảnh vô cùng phản cảm đối với một địa chỉ du lịch còn khá mới mẻ và đầy hấp dẫn như đảo Lý Sơn. Ngành công nghiệp không khói ở hòn đảo này, vốn đang là mũi nhọn kinh tế, không khỏi bị ảnh hưởng khi rác thải bị vứt bừa bãi ra bãi biển vì không xử lý hết.
Trong những bài phát biểu của mình, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi luôn nhắc đến “phát triển xanh”, “bền vững” như một mục tiêu mà tỉnh này hướng đến. Nhưng với những gì đang diễn ra, dường như ô nhiễm môi trường trong quá trình phát triển đã vượt ra khỏi dự liệu, và kiểm soát ô nhiễm vẫn là cái bóng phải đuổi theo đà phát triển.
Trở lại với chuyện chặn xe chở rác, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo UBND huyện Bình Sơn chấm dứt tình trạng người dân cản trở, tạm thời chuyển rác ùn ứ đến bãi rác khác xử lý. Chặn xe chở rác, có thể là biện pháp tức thời trong lúc nóng giận, nhưng ở góc độ khác, có thể là hình ảnh ẩn dụ của việc ngăn chặn những hệ lụy nhãn tiền, đòi hỏi những tính toán dài hơi trong quy hoạch và kiểm soát ô nhiễm.
Đây không phải là câu chuyện của riêng của Quảng Ngãi, khi chỉ trong một thời gian ngắn, người dân ở nhiều tỉnh thành liên tục tụ tập, phản đối các nhà máy, doanh nghiệp gây ô nhiễm. Phát triển xanh, hay phát triển bền vững, ở câu chuyện này không chỉ là “sự phát triển nhằm thỏa mãn các nhu cầu hiện tại nhưng không tổn hại đến sự thỏa mãn nhu cầu của thế hệ tương lai” như lí thuyết định nghĩa, mà còn để ngăn chặn những bất ổn ngay ở thì hiện tại mà chúng ta đang sống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến